Bảy
trăm hai ba toán mình- Nơi xưa chiến trận, ngày nay chùa chiềng
Nói đến
Vùng 1 chiến thuật với những địa danh có tính chiến lược, cùng thiên nhiên khí
hậu cảnh đẹp núi đồi, thì không thể quên nói về vùng núi Bạch Mã.
Từ một
khu rừng núi hoang sơ, nhưng đến năm 1932 vùng Bạch Mã nầy đã được một kỹ sư người
Pháp đề án để xây nhiều tòa nhà trên các đỉnh núi làm danh lam thắng cảnh và nơi
nghỉ mát cho giới giàu có Vua – Chúa nhà Nguyễn cùng các quan chức Pháp.Với độ
cao khoảng 1.448m của vùng núi Bạch Mã nên không khí ở đây rất mát mẻ. Đôi lúc đỉnh
núi có mây trắng tụ lại phủ mù cả vùng trời như cảnh thần tiên huyền ảo trong các
truyện liêu trai phim ảnh. Vì chiến tranh nơi nầy đã bị bỏ phế hoang tàn, nên sau
khi trở lại thấy quanh đỉnh núi còn có vài cụm hoa lan, hoa huệ, mà ngày xưa thời
Nguyễn đã trồng nay nở rộ tô đẹp thêm cảnh núi rừng.
Từ độ cao của Bạch Mã có thể nhìn bao vùng cả
khu đồng bằng từ Lăng Cô ra đến phía Nam Phú Bài - Huế. Vì vậy VC lợi dụng
trong tình huống QLVNCH đang bị Mỹ cắt bớt viện trợ, nên những phi vụ đánh bom
và pháo binh bị hạn chế rất nhiều, để đánh chiếm điểm chiến lược nầy.
Thiếu Úy Hậu, Thiếu Úy Tùng Tóan 723
Do đó khi được lệnh Quân Đoàn1, Sở Công Tác
liền thả vài toán đầu tiên xuống vùng Bạch Mã để thám sát địa thế tình hình. Khi
các toán nhảy xâm nhập vào vùng hoạt động theo lệnh hành quân an toàn, rồi vài
ngày sau đó gởi báo cáo về các BCH Đoàn để cho biết trên các đồi núi vùng Bạch
Mã khá yên tỉnh chưa thấy dấu vết của công quân chiếm đóng. Nên Sở Công Tác được
lệnh Quân đoàn 1 cho các Đoàn thay phiên lên chiếm đóng đỉnh núi chính của vùng
Bạch Mã để làm đầu cầu cho Địa Phương Quân lên trấn giữ.
Lúc đó,
hằng ngày các phi vụ trực thăng của PĐ 253 rất bận rộn để chuyển người và lương
thực của các Đoàn Công Tác lên trấn thủ ngọn núi Bạch Mã. Các Đoàn của Sở Công
Tác thay phiên nhau lên Bạch Mã rồi đóng
quân trong một toà nhà lầu đổ nát trên ngọn núi chính của vùng Bạch Mã. Cách xa
đỉnh núi của Đoàn Công Tác/SCT khoảng 150 mét về hướng Nam có một đỉnh
núi hơi thấp được Địa Phương Quân của Tỉnh Thửa Thiên-Huế trấn đóng. Các Đoàn Công
Tác và Điạ Phương Quân thường liên lạc qua lại để giữ an ninh chung quanh vùng
núi Bạch Mã.
Dưới
chân núi vùng Bạch Mã có một đường đèo hoang lở đã bỏ lâu ngày vì chiến tranh
chạy ngoằn nghèo quanh vùng núi ra đến vùng đồng bằng Đá Bạc - Cầu Hai. Trên các
đồi núi thấp dọc theo đường đèo ấy có một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân rải quân trấn
đóng để an ninh diện địa.
Khi Hiệp
định Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973
là một sự sắp đặt của bàn cờ quốc tế để Mỹ rút lui khỏi VN trên danh nghĩa, rồi
bỏ mặc cho người bạn đồng minhVNCH trong tình huống thiếu thốn viện trợ mọi bề,
kể cả súng ống đạn dược v.v.
Sau khi lực lượng
quân sự Hoa Kỳ rút hết vào cuối tháng 3 năm 1973,
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt
trận Giải phóng miền Nam chuẩn bị cho việc đánh dứt điểm
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang trong tình trạng thiếu thốn đạn dược cố gắng
xoay trở chống đỡ. Vì thế vai trò của
Hiệp định Paris,
trên thực tế, đến đây là đã hết.
Trong thời gian nầy việt cộng bắt đầu lấn chiếm
các vùng núi quanh hai đồi của Đoàn Công Tác và Địa Phương Quân để bắn sẽ, và
những lần tiếp tế lương thực bằng trực thăng rất là khó khăn nguy hiểm trước hỏa
lực súng phòng không của địch.Vì vậy Tiểu Khu Thừa Thiên có đưa một nhóm nhỏ của
ngành Chiến Tranh Chính Trị đem máy móc lên Bạch Mã để phát thanh kêu gọi việt
cộng hãy tôn trọng Hiệp Định Balê.
Phi Đòan 253 Pilot Phúc Dù ngồi giửa giơ tay chào
Có một
lần PĐ/ 253 tiếp tế gạo cho Đoàn72/SCT. Trước khi trực thăng bay vào vùng, thì
phi cơ L19 bay vào trước lạng quanh các đồi núi, rồi bắt loa phát thanh yêu cầu
VC phải tôn trọng lệnh “ngừng bắn” của Hiệp định Balê, sau đó trực thăng mới
bay vào để tiếp tế. Nhưng! lần đó phi công Phan văn Phúc khi vừa điều khiển chiếc
trực thăng sắp đến đỉnh núi của Đoàn Công Tác, thì súng cao xạ của địch bắn xối
xả lên trực thăng. Trước hỏa lực của địch, hai chiếc Gunship và A 37 nhào xuống
bắn và đánh bom để yểm trợ. Sự gan dạ sống chết cùng chiến hữu không làm Phi Công
Phúc chùn tay lái, cố bay lạng lách theo kinh nghiệm với bản năng phản ứng tự
nhiên đã liều mạng đưa trực thăng lên đồi Bạch Mã và nhanh chóng đạp thả được hết
10 bao gạo tiếp tế. Một ngày thật kinh hoàng với bom rơi đạn nổ như một cảnh
trong phim ảnh khó quên, cũng nhờ sự gan dạ của Phi công Phúc, Đoàn72/SCT mới có
lương thực để chiến đấu cho đến ngày cuối,và tôi vẫn còn nhớ.
Vài tuần sau, vào một buổi sáng trong căn phòng
chỉ huy, chai Champagne được Thiếu Tá Minh rót ra để mời các anh em Sĩ quan, có
cả Trung Úy Minh, anh Tr/uy Quãng, Đ/úy Tùng, Hậu v.v đang ngồi lắng nghe Th/tá
Minh nói về tình hình chiến sự và cho biết BCH Tiền Phương của Đoàn 72 được
lệnh rút vào Đà Nẳng. Vì trong thời gian nầy máy bay trực thăng tiếp tế lương
thực rất thiếu, và bay đến rất khó khăn bởi súng phòng không của địch. Lệnh
T/tá Minh chỉ định Toán 723 phải ở lại trấn giữ đỉnh núi của các Đoàn làm căn
cứ ởlâu nay trên trên Bạch Mã, để chờ ,
vài ngày bộ binh sẽ lên tiếp nhận, còn
các Toán khác rút theo BCH/Đ72 về Đà Nẳng. Có lẽ, mang cái tên Hậu theo định
số mà cha mẹ đặt lúc mới lọt lòng, có nghĩa là người “ sau cùng ” nên tôi đành
chịu trận, chỉ tội cho các toán viên phải bị vạ lây theo.
Tóan 723
Lúc các Đoàn lên trấn thủ phải dùng kẽm gai “Concertina”
rào phòng thủ quanh nhà lầu, đào giao thông hào nối liền với 5 lô cốt thiết kế
bằng bao cát để làm 5 điểm canh gác, cùng gài mìn claymore, lựu đạn, trái sáng bao
quanh đồi. Ngôi nhà lầu nầy với chiều dài khoảng 30m, chiều rộng 20m. Các phòng
được xây bao quanh cái sân chính giữa nhà được đúc bằng bêtông mà bên dưới làm
hồ để chứa nước mưa, mỗi phòng đều có cửa đi ra giữa sân. Chỉ có hai cửa chính
Bắc - Nam
dùng đi ra ngoải nhà lầu, và mé bên trong kế cửa ra vào hướng Nam có một cầu
thang đúc xi măng để đi lên sân thượng.
Nay chỉ
có 10 người nên tôi co cụm thu hẹp lại với thế trận để tử thủ về đêm, chỉ đặt 2 vọng gác trước 2 cửa ra vào, và tùy theo thời
tiết sương mù mây bay, màn đêm nếu quang đãng thì rão bước ra xa để quan sát động
tỉnh.
Các thùng lựu đạn được đem bỏ lên tầng sân thượng,
rồi cột một sợi giây dài vào cái cột trụ gãy mé về hướng đồng bằng, để trong trường
hợp ban đêm nếu bị đặc công việt cộng đột kích, toán sẽ chạy lên sân thượng tử
thủ rồi dùng lựu đạn thả xuống các phòng bên dưới, và trong trường hợp “bất khả
kháng” thì phải dùng sợi giây để liều mạng tìm “ sự sống trong cái chết” rồi nhảy
ra khỏi hàng rào concertina đầy mìn bẫy hy vọng thoát thân. Ban ngày, chúng tôi
không lo, chỉ cần một người gác đi lòng vòng xung quanh nhà lầu, nếu tụi nó bắn
là tụi tôi sẽ đáp trả lại đầy đủ cả vốn lẫn lời liền.
Trong thời
gian nầy, việt cộng thường lợi dụng lúc sương mù tan loãng trên đỉnh đồi, để bắn
sẽ anh em ĐPQ và Toán 723. Nhưng mỗi lần chúng bắn sẽ vào Toán 723 thì bị anh
em bắn M72 trả lại khiến chúng lo sợ. Còn VC bắn sẽ lính ĐPQ thì chúng chẳng hề
bị bắn trả lại, nên chúng thường hay bắn vào lính ĐPQ và đã làm bị thương, chết
vài người mà trong đó có Thiếu Úy Hồng Đại Đội Phó/ĐPQ. Từ đó, cảnh thần tiên
thơ mộng của Bạch Mã không còn nữa mà chỉ có đạn bom đêm ngày nổ vang trên đồi,
tung bụi bay mù mịt, pha trộn trong mây gió làm bẩn màu trắng của
trời mây.
Thiếu Úy Ngôn, Tr/Sĩ Nguyễn Ngọc Tiến Tóan 723
Một
tháng sau, được BCH/Đ72 báo tin người em ruột của tôi ở Sư Đoàn 1 vừa mới tử trận.
Tôi xin lệnh Đ72 cho tôi băng rừng về Đà Nẳng một mình để tiễn đưa người em đi
vào vùng trời mới, nhưng không được chấp thuận. Đây là lần thứ hai gặp tình huống
oái ăm, còn lần đầu khi đang chuẩn bị lên Komtum nhảy thực tập thì nhận tin người
anh ruột tử trận ở Long An, cũng không được chấp thuận để về Sài Gòn nhìn người
anh lần cuối. Đời chiến binh là thế, việc nước trước việc nhà, tôi hiểu nên đành
chấp nhận cái định số để trấn an tâm hồn. Nhưng ! Trước cảnh gia đình đã có 3
người anh em hy sinh, còn lại mình tôi đơn độc, lắm lúc ngồi trên đồi Bạch Mã mắt
mơ màng ngắm theo những làn mây trắng bay qua, trắng cả một vùng trời, rồi chợt
một ý nghỉ thoáng qua đầu… nếu ngày nào đó mình cũng đi theo các anh em thì gia
đình sẽ tuyệt nòi và ai lo cho cha mẹ.
Do đó,
trước sự vi phạm Hiệp Định Ba Lê qúa trắng trợn của VC trên vùng Bạch Mã,
tôi linh tính có ngày tụi nó sẽ bao vây đánh mình, và chuyện may rủi sống chết
biết đâu mà lường, nên tôi đề nghị các anh
em sẵn có máu văn nghệ, biết đờn ca, lấy máy phát thanh, microphone mà
trước đây nhóm Chiến Tranh Chính Trị lên công tác đã bỏ lại lúc rút về Huế, để
làm một đêm văn nghệ dã chiến với chủ đề
“ ĐÊM BẠCH MÃ ” không ngoài mục đích yêu
cầu VC hãy tôn trọng hiệp định Ba Lê, đừng bắn sẽ nữa, nếu bắn thì Toán 723 phải
tự vệ và sẽ bắn lại. Tôi còn nhớ mang máng viết đôi dòng để giới thiệu “Đêm Bạch
Mã” như sau: “Cùng các bạn bên kia đồi Bạch Mã. Chúng ta là người VN, giống con
rồng cháu tiên, ắt cùng chung một sự rung cảm nhịp đập của con tim khi thấy quê
mẹ đang đau thương bởi chiến tranh tương tàn... Đến với các bạn đêm nay bằng lời
ca của những người lính trẻ trong chiến trận đau thương của hai miền đất nước
….” .
Thời gian hơn 40 năm đi qua đã quên đi những
dòng chữ ngày ấy, nhưng không ngoài mục đích là làm sao tụi nó phải hiểu và tôn
trọng lệnh ngừng bắn. Và đó cũng là cái lo của người trưởng toán đơn độc chỉ có
10 người đang giữa vòng vây ngày càng siết chặt của cộng quân. Qua đêm hôm sau,
chúng tôi nghe ĐPQ nói đang nghe VC bên kia núi cũng bắt loa hò hát và đọc những
lời tuyên truyền xuyên tạc, nhưng vì dưới chiều gío thổi nên Toán chẳng nghe rõ
được gì.
Gần 2
tháng trời sống trong lửa đạn bom rơi, cảnh chết chóc bị thương của lính Đia
Phương Quân, mà chẳng có đơn vị bộ binh nào lên thay thế. Hằng ngày, các anh em
toán luôn hối thúc chuyên viên truyền tin gọi về BCH Đoàn 72 để xem có bộ binh
lên thay Toán chưa. Nhưng bên kia đầu máy PRC 25, cũng như mọi lần rè rè tiếng nói:
Chưa,
cứ chờ đó.
Sự bất mãn của anh em
Toán 723 nảy sinh từ đó, vì bộ binh không lên thay thì phải cho Toán khác lên
thay chứ. Anh em Toán 723 cảm thấy như 1 đứa con bị bỏ chợ, hay là Toán
"bị đì " nên các anh em bàn bạc rủ tôi bỏ đồi Bạch Mã xuống núi về Đá
Bạc, sống chết có nhau. Là một người Trưởng Toán từng sống chết với anh em kể
từ ngày thành lập Đoàn 72 tại Nha Trang, chúng tôi chia nhau điếu thuốc, ngụm
nước, ly cà phê đen, phì phà khói thuốc se xì ke, phê lâng lâng đê mê thả hồn
phiêu du trong chốc lát…
Tôi
buồn bả thông cảm lắc đầu:
Các em cứ ra đi để sống, còn anh phải ở lại
sống chết cùng Bạch Mã.
Thấu hiểu vì Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm nên
phải chấp hành Quân Lệnh của thượng cấp, dù chưa biết đó đúng hay sai? Thi hành
trước khiếu nại sau, nên tôi đành chấp
nhận ở lại Bạch Mã với TS Tiến nhân viên truyền tin. Rất may tụi việt cộng và
cả Địa Phương Quân bên kia núi không biết anh em ra đi để lại Bạch Mã chỉ còn
có 2 người thức trắng 2 đêm canh gác.
Sau hai ngày thì Chuẩn Uý Đàm Quang Phong
được lệnh dẫn một số anh em các Toán và vài toán viên 723 trễ phép, chuồn lặn
đi chơi, bị quân cảnh bắt, rồi lội bộ đường rừng lên tăng viện cho chúng tôi.
Chuẩn Uý Phong cho biết khi anh em Toán 723 do TS Phong (Phong đen) hướng dẫn
bỏ Bạch Mã lội bộ đường rừng về Đá Bạc thì Th/tá Minh và cả BCH Đoàn 72 hoảng hốt
lên, lính quýnh quáng như gà mắc đẻ, vội vàng ra lệnh C/uy Phong vừa mới đi phép
về dẫn vài anh em lên bổ sung quân số Bạch Mã liền.
Tháng ngày trôi qua, mùa mưa lại đến, Bạch Mã
với ngày đêm mưa tầm tã, bầu trời đen tối âm u, mây mù che phủ nên tầm quan sát
hạn chế trong khoảng 10 mét. Lợi dụng thời tiết xấu đó, việt cộng đã tấn công bằng
chiến thuật tiền pháo hậu xung vào đồi của Đại Đội ĐPQ và Toán chúng tôi. Đã từng
chiến đấu đơn độc trong rừng sâu núi thẳm của vùng Tam Biên, nên chúng tôi chẳng
hề nao núng trước trận địa, sẵn sàng đợi việt cộng bò lên đỉnh đồi để bắn hạ.
Nhưng chúng chỉ pháo phủ đầu vào đồi của Toán 723 để nghi binh, rồi nhào lên tấn
công bên đồi của ĐPQ.
Ầm…Ầm lửa chớp khói bay tiếng đạn reo réo víu
vu, núi đồi Bạch Mã rung chuyển dưới cơn mưa sáng sớm. Bất chợt nghe tiếng Đại Úy
Bạch Đại Đội Trưởng ĐPQ kêu vang trong máy truyền tin vội vã:
Hồng
Hà, Hồng Hà đây Bắc Bình anh nghe rõ trả lời .
Tôi vội vàng cầm ống liên hợp áp sát vào
tai:
Hồng Hà nghe Bắc Bình rõ 5/5.
Tiếng Đại Úy Bạch nói lớn trong ống nghe:
Tụi vẹm
nó bám sát xung quanh hàng rào và tôi nghe rõ tiếng nói của chúng. Nhờ anh bắn đại liên yểm trợ vào hướng đi lên đồi
của chúng tôi để nó không chạy lên được đồn.
Tôi
trấn an:
Tôi sẽ yểm trợ Bắc Bình. Hãy an tâm.
Vì mây
mù qúa dày đặc không thể thấy được đồn của ĐPQ nên tôi đã cho Trung Sĩ Thành đen
và Minh mập bắn đại liên M60 để yểm trợ đồn ĐPQ theo hướng địa bàn tôi hướng dẫn.
Chừng 10 phút sau,
tiếng Đại Úy Bạch của ĐPQ lại vang lên trong máy mừng rỡ:
Cám ơn anh đã yểm trợ tốt, và xin anh tạm
ngừng bắn.
Sau khi ngừng bắn đại
liên M60 để yểm trợ cho ĐPQ xong, và đang chờ đợi lệnh của BCH/ Đoàn 72. Ngồi
trong lô cốt nghe tiếng đạn rơi pháo nổ ầm ầm của các đơn vị Pháo Binh yểm trợ,
và cả pháo việt cộng bắn vào nhà lầu, làm rung chuyển ngọn đồi như sắp đổ sụp
tan tành.
Bất chợt tôi nghe tiếng
anh em nói vọng vào:
Có tiếng lính ĐPQ xin đi vào đồi của mình anh Hậu ơi.
Vội vàng chạy ra khỏi lô cốt để nhìn xuống lối
nhỏ đi lên đồi, nhưng sương mù đục ngầu chẳng thấy được gì cả. Tôi chỉ nghe tiếng
ồn ào dưới gần chân đồi dồn dập la lớn:
Địa Phương Quân đây, cho chúng tôi lên đồi,
xin đừng bắn.
Nửa tin nửa ngờ, không biết lính ĐPQ hay việt
cộng trá hình. Sau mấy giây đắn đo suy nghĩ, Tôi vội hét lớn:
Các anh hãy đưa hai tay với súng ống lên đầu
rồi đi lên từ từ từng người một. Nếu ai không làm đúng chúng tôi sẽ bắn.
Dạ ! Dạ nghe.
Tôi
nhanh chóng cho bố trí trên góc trái sân thượng cây đại liên M60 do T/Sĩ.Thành đen
xử dụng hướng súng ngay lối nhỏ đi lên đồi, để phản ứng khi có tình huống bất
ngờ xảy ra, sau đó mới cho lính ĐPQ đi lên. Khi ĐPQ lên đồi xong, tôi kiểm tra
thấy có khoảng chừng 60 người, có người có súng, người thì tay không, kể cả những
người bị thương với vẻ mặt thất thần sợ hãi đang nhỏ to chuyện trò hỏi han.
Anh em ĐPQ cho biết sau khi được chúng tôi bắn
đại liên yểm trợ xong, thì thấy Đại Úy Bạch mở hàng rào ra khỏi đồn, rồi chạy về
hướng đồi của Toán 723. Nhưng vì mây mù phủ che tầm nhìn, lính ĐPQ tưởng Đại Úy
Bạch chạy qua đây nên đã vội vàng chạy theo để xin đi lên đồi của Toán. Có ai
ngờ đâu Đại Úy Bạch một mình chạy về Tiểu Đoàn ĐPQ đóng ở vùng núi gần dưới đồng
bằng Phú Lộc-Cầu Hai, Nước Ngọt.
Đã từng đơn độc trong rừng sâu quen rồi, và
cả tuần qua cùng anh em chiến đấu để giữ vững ngọn đồi. Nay có thêm một số lính
ĐPQ chạy qua gần cả trăm người, nên tôi và anh em Toán 723 càng tăng thêm sự tự
tin quyết sống chết cùng Bạch Mã. Nhưng ! nhìn thấy sự hỗn loạn sợ hãi của lính
ĐPQ, tôi liền bảo anh em Toán mở loa phóng thanh rồi cùng hát to bài Quốc Ca “...nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì
thân sống …” để kích động tinh thần anh em ĐPQ.
Dưới trời mưa lất phất, mây mù phủ kín đồi,
tiếng nổ của đạn pháo ầm vang, hòa cùng bài Quốc Ca VN với tiếng hát nhịp nhàng,
như một bản hòa tấu hùng mạnh đang vang dội khắp đồi, làm sôi sục dòng máu ấm
trong lòng thúc dục tôi bước ra khỏi lô cốt, tay cầm đàn miệng hát bài Quốc Ca,
và đi theo dọc hệ thống giao thông hào dưới trời mưa phùn lành lạnh xuyên qua các lô cốt, để kích động tinh thần
của lính ĐPQ.
Thiếu Úy Lê Văn Hậu Trưởng Tóan 723
Thật không ngờ, có lẽ lời của bài Quốc Ca đã
trỗi dậy được tinh thần để vượt qua nổi sợ
hãi của những người lính trên đỉnh đồi Bạch Mã này, hãy cùng bên nhau chiến đấu
trước cảnh hiểm nguy. Tôi rất vui mừng khi thấy anh em ĐPQ bày tỏ một lòng sống
chết với Toán 723 để cố giữ vững đồi Bạch
Mã, và một vài anh em toán nhìn tôi cười lớn vui vẻ. Không biết chuyện gì mà
anh em vui vậy, tôi liền hỏi Minh:
Có chuyện gì mà vui thế?
Minh cười lộ ra cả cái răng vàng:
Hồi nảy lính ĐPQ nói: Trung Sĩ cho em bắn vài phát đạn M60
cho lên tinh thần. Nó gọi TS xưng em vui qúa anh Hậu ơi.
Té ra là vậy, tôi chợt hiểu từ trước đến nay
các anh em toán chưa bao giờ có lính trong tay, nay có lính trong tay thì đó là
một niềm vui trong chiến trận, và làm tôi cũng vui lây, vì số ĐPQ chạy qua đều
dưới sự chỉ huy của tôi.
Sau khi cùng chiến đấu từ sáng đến xế trưa
thì lương thực khô dự trữ đã cạn hết, vì đã chia xẻ khẩu phần cho lính ĐPQ. Tôi
phải gọi về đơn vị để xin thả dù tiếp tế lương thực. Nhưng thời tiết qúa xấu, mưa
gío cả tuần nay chưa ngừng, lại thiếu phương tiện máy bay để thả hàng tiếp tế,
nên Quân Đoàn 1 đã cho lệnh Toán rút khỏi Bạch Mã. Khi nghe lệnh bỏ đồi Bạch Mã,
lòng tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn, một đỉnh núi mà đã có nhiều hình ảnh
quen thân trong thời gian qua trấn đóng, và nay có thêm quân lính trong tay nên
tôi vững tin ngọn đồi sẽ đứng vững
trước địch quân, còn mừng vì sắp trở về gặp lại gia đình.
Khi nhận lệnh rút lui, tôi không nghe nói gì
đến ĐPQ, vì vậy tôi chỉ cho anh em toán biết lệnh rút lui thôi, rồi cho phá hủy
các khẩu súng cối cùng đạn dược, thiêu hủy giấy tờ tài liệu. Còn Ts Thành đen thì
vội vàng tháo nòng cây đại liên M60 rồi lịệng xa xuống mé núi dốc đứng phía đồng
bằng, sau đó Thành đã lấy cục than viết
lên tường gần kho đạn câu “đả đảo Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam”.
Các Trung Đội Trưởng/ĐPQ thấy được những việc
khác lạ của chúng tôi nên thăm dò hỏi tôi. Lúc đó tôi mới cho họ biết lệnh rút
lui của chúng tôi và nói họ liên lạc về TK/Thừa Thiên để xin lệnh. Sau đó TK/Thừa
Thiên liên lạc trực tiếp với tôi rồi nhờ chúng tôi dẫn đường giúp đưa ĐPQ rút
theo với.
Tôi gom toán lại, và chia đều anh em ra đi theo từng Trung Đội ĐPQ để chỉ
huy. Sau đó ban lệnh rút lui cho các Sỉ quan Trung Đội Trưởng/ĐPQ biết mà thi hành.
Để cho sự rút lui không hỗn loạn, lắm lúc tôi phải cứng rắn với các Sĩ Quan/ĐPQ
để lính tráng ĐPQ đi vào kỷ luật trong lúc chiến đấu.
Dưới
trời mưa, lợi dụng mây mù dày đặc khó quan sát, chúng tôi dùng mìn Claymore phá
hủy hàng rào nơi dốc đứng gần chổ cầu tiêu để làm hướng rút lui an toàn. Vì nếu
rút đi theo con đường mòn nhỏ hay lên xuống của ĐPQ, linh tính báo e sẽ bị phục
kích.
Để
nghi binh cho việt cộng nghĩ chúng tôi còn đang trấn thủ trên đồi. Tôi nói Thành
và vài anh em chờ đi sau cùng, cứ thỉnh thoảng bắn vài tràng đại liên và M79
qua hướng đồi ĐPQ đang bị việt cộng chiếm đóng, trong khi chúng tôi thứ tự rút
lui. Tôi và Tiến đi đầu theo một Trung Đội ĐPQ, Chuẩn Úy Phong đi gần Trung đội
sau cùng. Khi biết tất cả anh em của nhóm đi sau cùng ra khỏi hàng rào của đồi
một khoảng xa khá an toàn. Tôi liền gọi yêu cầu pháo binh bắn ngay trên đỉnh đồi.
Pháo của mình và pháo của địch nổ ầm ầm rung động cả núi đồi, bởi việt cộng cứ tưởng
mình còn ở trên đồi. Nhưng lúc đó chúng tôi đã xuống gần nữa dốc núi rồi, và cũng
là lúc tôi bị một tảng đá lớn từ trên cao bay xuống xớt qua đầu kéo
theo thân hình tôi lộn theo mấy vòng rồi bất tỉnh. Khi mở mắt ra, máu phủ cả mắt
nên thấy toàn màu đỏ. Tôi được anh em băng bó cầm máu quanh đầu như quấn một vòng
khăn tang cho đồi Bạch Mã…
Phạm Hòa Tóan 723
Sáng hôm
sau thức dậy sớm, chúng tôi chia tay với số anh em ĐPQ đã rút theo chúng tôi từ
đỉnh Bạch Mã về Tiểu Đoàn/ĐPQ an toàn. Trước khi tạm biệt, anh em lính ĐPQ chạy
đến ôm tôi run run xúc động nói lời cám ơn, và bịn rịn chia tay cùng các anh em
trong toán”. Ơn Nghĩa- Tình Người” mà lính ĐPQ đã thể hiện trong chiến
trận thật cảm xúc. Tôi đưa tay dụi đôi mắt cay cay ươn ướt miệng gượng cười méo
xẹo khi thấy họ chỉ là những người lính binh nhì thôi, nhưng con tim của họ biết
rung cảm từ “Đạo Làm Người”. Họ mới đúng là Người…
Để tránh
bị phục kích, chúng tôi không đi theo đường mòn, mà nhắm hướng đồng bằng để vượt
rừng suối xuôi về hướng đông, và đến ven rừng Cầu Hai- Nước Ngọt vào lúc xế chiều.
Đ/u Tùng với vài anh em của Đ72 từ Đà Nẳng ra đón chúng tôi, rồi được xe GMC/ Đ72
đưa về Sơn Trà, Đà Nẳng. Còn tôi thì đi vào Bệnh Viện Duy Tân - Đà Nẳng.
Lê văn
Hậu
Toán
723
No comments:
Post a Comment